Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao trước loạt lùm xùm tình cảm giữa streamer ViruSs và các bạn gái cũ như Tiktoker Ngọc Kem, rapper Pháo. Giữa tâm bão dư luận, nam streamer liên tục mở livestream để đối chất, thu hút hàng triệu lượt xem, đồng thời kiếm về khoản thu nhập không nhỏ nhờ tính năng thu phí hội viên và tiền donate từ người xem.
Tận dụng sức nóng, ViruSs thu bộn tiền từ livestream
Drama tình cảm của ViruSs nổ ra khi Ngọc Kem lên tiếng tố anh “cắm sừng” và có hành vi không tốt trong mối quan hệ. Sau đó, loạt bạn gái cũ như Pháo, Emma Nhất Khánh cũng lên tiếng. Đỉnh điểm, rapper Pháo còn tung bản rap “Sự nghiệp chướng”, được cho là nhắm thẳng vào ViruSs.
Giữa những lời đấu tố qua lại, ViruSs liên tục tổ chức các buổi livestream để giải thích. Đáng chú ý, mỗi lần lên sóng, nam streamer đều bật tính năng giới hạn bình luận, chỉ những ai trả phí thành viên mới có thể tương tác. Mức phí đăng ký hội viên trên nền tảng livestream của ViruSs dao động từ 130.000 – 155.000 đồng/tháng và được tự động gia hạn.
Không chỉ thu tiền từ hội viên, ViruSs còn nhận về lượng donate (ủng hộ) cực lớn từ fan. Trong buổi livestream tối 28/3, lượng người xem đạt 4,8 triệu lượt, có thời điểm chạm mốc 1,6 triệu người xem cùng lúc. Với sức hút này, số tiền ViruSs kiếm được từ một buổi livestream là không hề nhỏ.
Một Tiktoker chuyên livestream tiết lộ, thu nhập của streamer chủ yếu đến từ phí thành viên, tiền donate và quảng cáo. Tuy nhiên, họ phải chia phần trăm doanh thu cho nền tảng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Ở trường hợp của ViruSs, anh chỉ giữ lại khoảng 30% tổng số tiền nhận được sau khi trừ các khoản phí.
Kiếm tiền từ drama: Xu hướng mới trên mạng xã hội?
Bản chất của nghề streamer là tạo nội dung thu hút người xem để kiếm tiền từ quảng cáo và donate. Nhưng những năm gần đây, không ít streamer tận dụng scandal cá nhân để thu hút sự chú ý, kéo lượt xem về kênh của mình. Việc ViruSs liên tục livestream giữa lùm xùm tình cảm khiến nhiều người đặt câu hỏi: Đây là lời giải thích hay một chiến lược kiếm tiền?
Một số khán giả bày tỏ sự thất vọng khi ViruSs không chỉ biến câu chuyện cá nhân thành nội dung câu view mà còn tận dụng nó để tạo doanh thu. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng nam streamer có quyền làm điều này vì thực chất, đây cũng là một loại hình giải trí mà người xem tự nguyện chi tiền để theo dõi.
Trước những tranh cãi ngày càng gay gắt, tối 29/3, ViruSs tuyên bố dừng livestream về ồn ào tình cảm và khẳng định mình không cố tình tạo drama để kiếm tiền. Ngay sau đó, Ngọc Kem cũng thông báo khép lại mọi chuyện.
Dù câu chuyện đã tạm lắng, nhưng vụ việc lần này tiếp tục đặt ra nhiều tranh luận về sự phát triển của nghề streamer tại Việt Nam, cũng như ranh giới giữa việc khai thác đời tư và lợi dụng drama để kiếm tiền. Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử kiểm tra thông tin liên quan đến vụ việc, mở ra khả năng về những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với nội dung livestream trên không gian mạng.