Coachella “tụt mood”: Huyền thoại Rock diễn không ai hay, Gen Z thờ ơ?

Màn trình diễn tưởng nhớ ban nhạc Queen của Benson Boone tại đại nhạc hội Coachella 2025 vừa qua đã vô tình khơi lên một cuộc thảo luận về sự thay đổi trong nhận thức âm nhạc và vị thế của các huyền thoại.

Coachella "tụt mood": Huyền thoại Rock diễn không ai hay, Gen Z thờ ơ? - Ống kính

Tuần đầu tiên của Coachella 2025, sự kiện âm nhạc lớn quy tụ nhiều tên tuổi đình đám thế giới, đã diễn ra vào ngày 12/4, thu hút hàng trăm nghìn khán giả đến sa mạc Colorado. Sân khấu của Benson Boone, một nghệ sĩ trẻ đang lên, nhận được nhiều sự chờ đợi.

Bên cạnh những ca khúc làm nên tên tuổi, phần hóa thân thành Freddie Mercury của Benson cũng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Được đặt gần cuối buổi diễn, màn trình diễn này được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ và khơi dậy cảm xúc cao trào cho khán giả.

Benson đã tái hiện “Bohemian Rhapsody”, một nhạc phẩm kinh điển vượt thời gian của Queen, mang di sản âm nhạc vĩ đại này đến với khán giả Coachella 2025. Anh bắt đầu bên cây đàn piano, khoác chiếc áo lông gợi nhớ hình ảnh biểu tượng của Freddie Mercury trong tour diễn Magic năm 1986, trước khi cởi bỏ để lộ bộ jumpsuit lấp lánh.

Điểm nhấn đặc biệt của màn trình diễn là sự xuất hiện bất ngờ của Brian May, cây guitar huyền thoại của Queen. Dù vừa hồi phục sau cơn đột quỵ, Brian vẫn xuất hiện đầy ấn tượng ở tuổi 77, cống hiến hết mình cho đam mê âm nhạc qua một đoạn solo guitar điện đầy lửa. Khoảnh khắc này đã khiến những người hâm mộ Queen không khỏi xúc động, gợi nhớ về thời kỳ hoàng kim của Rock n’ Roll.

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên hơn cả là phản ứng hờ hững của đám đông Coachella khi Brian May xuất hiện. Khi Benson hào hứng giới thiệu “Brian May, mọi người ơi!”, khán giả đáp lại bằng một sự im lặng khó xử, cho thấy nhiều người dường như không nhận ra tay guitar của ban nhạc Queen. Thậm chí, có ý kiến cho rằng gần như không ai biết hoặc đã quên mất ông.

Từ đây, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, tập trung vào một thắc mắc chung: “Brian May là ai? Tại sao ông lại nhận được sự ‘lạnh nhạt’ từ khán giả như vậy?”.

Brian May: Linh hồn của Queen, người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ

Brian May, sinh năm 1947, là một tượng đài guitar của ban nhạc Rock Anh quốc Queen, với sự nghiệp và tầm ảnh hưởng trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc đến khoa học và các hoạt động xã hội. Ở tuổi 23, Brian cùng Freddie Mercury, Roger Taylor và John Deacon thành lập Queen, bắt đầu hành trình chinh phục làng nhạc thế giới.

Brian được xem là “linh hồn” của Queen, với lối chơi guitar độc đáo, giàu cảm xúc và khả năng sáng tác mang tính đột phá. Ông là tác giả của nhiều bản hit như “We Will Rock You” (1977, hơn 1,2 tỷ lượt stream trên Spotify), “Fat Bottomed Girls” (1978), “Save Me” (1980) và “Who Wants to Live Forever” (1986). Ông góp phần định hình âm nhạc đặc trưng của Queen thông qua tư duy âm nhạc tiên phong, ví dụ như việc sử dụng hàng chục lớp guitar trong “Procession” (1974), hay đặc biệt là đoạn solo guitar kinh điển trong “Bohemian Rhapsody” (1975) – ca khúc đạt hơn 2,3 tỷ lượt stream, đứng đầu bảng xếp hạng UK Singles Chart 9 tuần và là ca khúc được nghe nhiều nhất thế kỷ 20.

Brian và Queen đã đặt nền móng cho một kỷ nguyên âm nhạc thịnh vượng vào những năm 70 – 80, thời kỳ mà Rock và Disco thống trị. Queen sở hữu hàng loạt album triệu bản như “A Night At The Opera”, “News Of The World”, “The Game”, “A Kind Of Magic”… Sự hiện diện của Queen đã làm cho “sân chơi” Rock trở nên sôi động và cạnh tranh hơn giữa nhiều tên tuổi lớn khác như Bee Gees, Led Zeppelin, Aerosmith, The Beatles, Eagles, Metallica…

Sau khi giọng ca chính Freddie Mercury qua đời, Brian và Roger Taylor tiếp tục các dự án âm nhạc để tưởng nhớ Freddie và Queen, như sản xuất album “Made in Heaven” (1995) và tổ chức các chuyến lưu diễn hợp tác với Paul Rodgers (2004–2009) và Adam Lambert (2011–nay).

Brian cũng có sự nghiệp solo với một số sản phẩm như EP “Star Fleet Project” (1983), album “Back To The Light” (1992), album “Another World” (1998)… và nhiều dự án hợp tác khác. Một trong những đóng góp đáng chú ý của Brian vào nhạc mainstream những năm 2010 là sáng tác và chơi guitar cho bản hit “You And I” (2011) của Lady Gaga, thuộc album “Born This Way”.

Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia sản xuất nhạc kịch, hát nhạc phim… thể hiện sự đa tài và linh hoạt trong âm nhạc. Ông hoàn thành bằng tiến sĩ vật lý thiên văn năm 2007, đồng tác giả nhiều bài báo khoa học và đóng góp vào dự án New Horizons của NASA. Ông được phong tước hiệp sĩ năm 2023 vì những cống hiến cho âm nhạc và khoa học.

Cây đàn Red Special huyền thoại và lối chơi guitar biến hóa của Brian đã truyền cảm hứng cho vô số nghệ sĩ guitar trên toàn thế giới. Ông được xếp vào hàng ngũ những tay guitar xuất sắc nhất mọi thời đại bởi Rolling Stone và Guitar World. Sự nghiệp đa dạng của ông – từ ngôi sao nhạc rock đến nhà khoa học và nhà hoạt động – đã tạo nên một nhân vật toàn tài.

Sự thay đổi thời thế và phản ứng lạnh nhạt tại Coachella 2025

Sự thay đổi là một quy luật tất yếu, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, và việc bị xem là “hết thời” là điều mà không nghệ sĩ nào mong muốn nhưng có lẽ sẽ phải đối mặt. Số lượng nghệ sĩ solo thành công sau khi tách ra từ các ban nhạc Rock huyền thoại rất ít, đặc biệt là từ cuối những năm 90 trở về trước, ngoại trừ một vài tên tuổi nổi bật như Mick Jagger (The Rolling Stones) hay Paul McCartney (The Beatles). Brian May cũng không phải là ngoại lệ.

Sở trường của ông chủ yếu tập trung vào khả năng chơi nhạc cụ và sáng tác, thiếu đi tố chất của một ngôi sao “chủ chốt” như người bạn quá cố Freddie Mercury. Dần dần, một bộ phận giới trẻ không còn quá mặn mà với những giá trị âm nhạc mang tính hoài niệm. Họ ưu tiên những dòng nhạc điện tử hiện đại và những xu hướng âm nhạc trên các nền tảng như TikTok, điều này càng thu hẹp thị phần của các dòng nhạc khác.

Trở lại màn trình diễn của Benson Boone, không thể phủ nhận nỗ lực của nam ca sĩ trẻ khi chọn trình diễn “Bohemian Rhapsody” để tri ân Freddie Mercury và Queen. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là yếu tố chính khiến khán giả tại Coachella thờ ơ và lạnh nhạt trước sự xuất hiện của Brian May? Liệu vấn đề nằm ở Brian hay ở Benson – người vô tình chiếm mất sự chú ý của tay guitar huyền thoại?

Màn trình diễn của Benson có vẻ “lạc lõng” tại một lễ hội được xem là “sân chơi” của những người nổi tiếng và influencer trên mạng xã hội. Không ngoa khi nói rằng Coachella đôi khi ưu tiên việc check-in và chụp ảnh hơn là việc thực sự hiểu và trân trọng lịch sử âm nhạc. Phản ứng nhạt nhẽo từ đám đông phần nào phản ánh rõ khoảng cách thế hệ và sự thay đổi trong cách thưởng thức âm nhạc.

Gu âm nhạc của giới trẻ tại Coachella cho thấy sự ưu tiên dành cho âm nhạc hiện đại, dễ tiếp cận và gắn liền với văn hóa số, khiến màn trình diễn “Bohemian Rhapsody” của Benson Boone và sự xuất hiện của Brian May không tạo được hiệu ứng như mong đợi. Tuy nhiên, tình trạng này không phải là dấu hiệu cho thấy những giá trị di sản của Queen hay bất kỳ nghệ sĩ, ban nhạc cùng thời nào trở nên suy tàn, mà là một ví dụ rõ ràng về sự phân mảnh trong thị hiếu âm nhạc hiện nay, nơi lịch sử âm nhạc đôi khi bị lu mờ bởi sự hào nhoáng của mạng xã hội.

Mặc dù vậy, độ lan tỏa của màn trình diễn trên các nền tảng mạng xã hội lại vô cùng ấn tượng, với hàng loạt video YouTube và bài đăng của người hâm mộ thu hút hàng triệu lượt xem, cho thấy Benson và sân khấu cover đã tiếp cận được khán giả toàn cầu rộng rãi hơn so với tại Coachella. Nhiều cư dân mạng khẳng định rằng nếu Coachella được tổ chức ở Anh, Brian May chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt hơn nhiều, tương xứng với những đóng góp to lớn của ông và Queen cho lịch sử âm nhạc.

Một thiệt thòi lớn của Brian May là thời kỳ hoàng kim của Queen đã kết thúc sau sự ra đi của Freddie Mercury. Những di sản mà ban nhạc Rock này để lại cho ngành công nghiệp âm nhạc thế giới là vô giá. Trong khi các nghệ sĩ trẻ tiếp tục làm dày thêm kho tàng âm nhạc của họ, những huyền thoại như Brian May chỉ có thể được vinh danh qua những di sản đã có.

Tuy nhiên, vẫn có một tia hy vọng. Benson Boone và màn trình diễn cover “Bohemian Rhapsody” đại diện cho một bộ phận giới trẻ sẵn sàng làm cầu nối giữa các thế hệ. Trong kỷ nguyên số, các nền tảng như TikTok, Instagram, YouTube và những nghệ sĩ trẻ như Benson có thể góp phần đưa di sản của Queen và Freddie Mercury đến với nhiều đối tượng khán giả hơn, miễn là nó được đặt trong một bối cảnh phù hợp, nơi khán giả sẵn sàng lắng nghe và trân trọng âm nhạc cùng câu chuyện đằng sau nó. Dù có thể nói Brian May đã “hết thời” trong mắt một bộ phận khán giả trẻ, nhưng ông vẫn sẽ luôn được nhớ đến như một tượng đài guitar của nền âm nhạc thế giới.

Bài viết cùng chủ đềXEM THÊM

Màn “tự giễu” của Seo Ye Ji: Chiêu trò PR hay sự trịch thượng?

Sự trở lại gần đây của Seo Ye Ji đã thu hút sự chú ý lớn...

Tập đoàn điều hành hộp đêm Burning Sun chính thức phá sản, Seungri tiếp tục gây tranh cãi

Burning Sun Entertainment, tập đoàn từng quản lý hộp đêm khét tiếng Burning Sun tại Seoul,...

Lisa bị tố cáo “dựa hơi” bạn trai tỷ phú để tiến vào Hollywood

Tháng 2/2025, Lisa, thành viên nhóm nhạc BlackPink, chính thức ra mắt màn ảnh Hollywood với...

Kỷ niệm 15 năm, INFINITE bùng nổ suốt 3 tiếng với gần 40 bài hát

Thông thường, một buổi hòa nhạc K-pop kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng,...

Lamine Yamal đáp trả chỉ trích của Van Der Vaart

Lamine Yamal, tài năng trẻ của bóng đá Tây Ban Nha và Barcelona, đã có màn...

Inter Milan gia nhập cuộc đua giành Koobie Mainoo

Theo thông tin từ tờ Daily Mail, Inter Milan đã trở thành câu lạc bộ mới...