Ngày xửa ngày xưa, chiếc cúp chiến thắng trên các show âm nhạc cuối tuần là niềm tự hào, là bùa hộ mệnh cho mọi thần tượng Kpop. Ấy thế mà giờ đây, vinh quang ấy lại trở thành gánh nặng ngàn cân, khiến các idol toát mồ hột mỗi khi bước lên sân khấu encore hát live.
Từ “party” mừng công đến “trường thi” hát live khắc nghiệt
Theo YNT, nếu như trước đây, encore stage là nơi idol quẩy hết mình cùng fan, hóa trang lầy lội hay đổi giọng hát cho nhau tạo khoảnh khắc vui vẻ thì nay đã xưa rồi Diễm ơi.
Với sự xâm lăng của TikTok, YouTube, mọi khoảnh khắc encore đều bị zoom cận cảnh và lan truyền với tốc độ ánh sáng. Video bóc tách nhạc nền (MR removed), clip cắt lỗi giọng toang tràn lan khắp nơi, chỉ cần một nốt chênh cũng đủ để netizen kết tội idol hết thời.
Le Sserafim, ILLIT… “dính chưởng” vì hát live
Le Sserafim là nạn nhân điển hình của văn hóa encore khắc nghiệt này. Tháng 3/2024, nhóm nhạc nữ nhà HYBE comeback bùng nổ với “Easy”, ẵm trọn 5 chiếc cúp tuần, trở thành trùm cuối cúp tuần đầu tiên của năm.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, phần encore của nhóm nhanh chóng trở thành bia đỡ đạn của dư luận. Suốt màn trình diễn, cả 5 thành viên liên tục hụt hơi, hát lí nhí, bỏ quên nhiều nốt cao. Đặc biệt, Sakura bị réo tên nhiều nhất vì giọng hát run rẩy, lạc tông thảm họa.
Tân binh khủng long ILLIT cũng không thoát khỏi vòng xoáy chỉ trích vì hát live í ẹ. Sân khấu encore “Magnetic” tại The Show biến thành gánh xiếc cho fan Kpop vì giọng hát lúc lên lúc xuống và sự thiếu tự tin thấy rõ của các thành viên. Sau màn trình diễn đi vào lòng đất này, nhiều người thẳng thừng nhận xét ILLIT là idol không biết hát.
Trước đó, Momo (Twice) cũng từng có chuỗi encore kinh hoàng từ “More & More” đến “I Can’t Stop Me”. Đáng nói, thời điểm “I Can’t Stop Me” ra mắt, Momo đã có 5 năm thâm niên trong nghề, khiến khán giả mỉa mai cô hát còn không bằng tân binh.
Đánh giá idol qua encore: Thiển cận hay thước đo thực lực?
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Park Song Ah chỉ ra rằng sự thay đổi trong văn hóa fandom và cách tiêu thụ nội dung truyền thông chính là thủ phạm gây ra hiện tượng này.
Fan ghi lại và tiêu thụ mọi khoảnh khắc của idol. Trước đây, sân khấu encore thiên về tính chất phục vụ fan, còn hiện nay nó đã được mở rộng thành một loại nội dung mới, đòi hỏi sự hoàn hảo đến từng chi tiết, bà phân tích.
Sự thay đổi trong kỳ vọng của fan về encore stage không chỉ dừng lại ở tranh cãi về thực lực. Đặc biệt đối với những idol mới ra mắt, sân khấu encore có thể là yếu tố sinh tử quyết định việc họ có thể tiếp tục bám trụ trong ngành hay không.
Bà Park Song Ah cho rằng thị trường Kpop khắc nghiệt đến mức chỉ cần vài sân khấu fail là có thể đóng sập cánh cửa sự nghiệp của một nhóm nhạc, vì một lỗi nhỏ cũng có thể trở thành quả bom hẹn giờ cho cả thương hiệu.
Về phía công ty quản lý, đây cũng là một nỗi lo thường trực. Một nhân viên trong ngành giải trí tiết lộ rằng vấn đề idol hát live ổn hay không đã trở thành cơn ác mộng hàng ngày.
Khi kỳ vọng dành cho idol giỏi chuyên môn ngày càng tăng, yêu cầu về khả năng hát cũng cao hơn. Tuy nhiên, trong Kpop – nơi biểu diễn và concept là trọng tâm – thì việc đánh giá toàn bộ nghệ sĩ chỉ dựa trên một sân khấu encore là quá phiến diện, người này bày tỏ.
Dù vậy, không ít người trong ngành giải trí cho rằng việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào sân khấu encore là điều không nên.
Khi một album mà nghệ sĩ đã dành cả năm trời để chuẩn bị được công nhận và giành hạng nhất, lẽ ra họ phải được tận hưởng khoảnh khắc ấy cùng người hâm mộ. Đó mới là phần thưởng xứng đáng sau khi nhận cúp tuần, một người trong ngành kết luận.