Tỷ lệ người dân Nhật Bản cảm thấy cô đơn vẫn ở mức cao đáng báo động, gần 40%, theo kết quả cuộc khảo sát thường niên mới nhất của chính phủ nước này. Dù đã có đạo luật được ban hành nhằm giải quyết vấn đề này, sự cô độc dường như vẫn chưa thuyên giảm.
Cuộc khảo sát gần đây của chính phủ Nhật Bản cho thấy, khoảng 39,3% người dân Nhật Bản cho biết họ cảm thấy cô đơn “thường xuyên hoặc luôn luôn”, “đôi khi” hoặc “thỉnh thoảng” trong năm 2024. Con số này không thay đổi đáng kể so với cuộc khảo sát năm 2023 và hầu như giữ nguyên kể từ khi nghiên cứu về sự cô đơn được thực hiện thường niên từ năm 2021.
Theo hãng tin Kyodo, đạo luật có hiệu lực vào tháng 4/2024 nhằm giải quyết sự cô độc dường như vẫn chưa có tác động đáng kể đến tình hình này. Đáng chú ý, cuộc khảo sát lần này cũng là lần đầu tiên đi sâu vào mối quan hệ giữa cảm giác cô đơn và việc sử dụng điện thoại thông minh.
Kết quả cho thấy, trong số những người sử dụng điện thoại thông minh hơn 8 tiếng/ngày, có tới 13,3% cho biết họ cảm thấy cô đơn “thường xuyên hoặc luôn luôn”. Tỷ lệ này giảm xuống 9,5% đối với những người sử dụng thiết bị công nghệ trong khoảng 7-8 tiếng, và thấp hơn ở những nhóm sử dụng điện thoại ít hơn, cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa thời gian sử dụng thiết bị và cảm giác cô lập.
Những yếu tố chính được xác định góp phần vào sự cô đơn bao gồm “sự mất của một thành viên trong gia đình” (chiếm 24,6%), “sống một mình”, “thay đổi hoặc rời bỏ trường học hoặc công việc” và “các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần”.
Cuộc khảo sát về sự cô đơn lần thứ 4 này đã tiến hành thu thập dữ liệu từ 20.000 cá nhân được chọn ngẫu nhiên từ 16 tuổi trở lên trên khắp Nhật Bản, tính đến tháng 12/2024. Tỷ lệ phản hồi hợp lệ đạt 54,4%. Trước bối cảnh gia tăng sự cô đơn và đơn độc sau đại dịch Covid-19, luật pháp Nhật Bản yêu cầu chính quyền các địa phương thành lập nhiều nhóm khu vực, bao gồm các tổ chức công và tư nhân, nhằm thúc đẩy các biện pháp giúp đỡ những người có nhu cầu.