Một phát hiện lịch sử bất ngờ vừa diễn ra tại Argentina, 83 thùng tài liệu liên quan đến Đức Quốc xã, bị tịch thu từ năm 1941, đã được tìm thấy trong tầng hầm của Tòa án Tối cao nước này sau gần một thế kỷ bị lãng quên. Thông tin được Tòa án Tối cao Argentina chính thức công bố vào ngày 11 tháng 5 năm 2025.
Số tài liệu này có nguồn gốc từ Đại sứ quán Đức tại Tokyo (Nhật Bản) và được vận chuyển đến Argentina vào tháng 6 năm 1941 trên tàu hơi nước Nhật Bản Nan-a-Maru. Vào thời điểm đó, Thế chiến II đang diễn ra ác liệt và Argentina vẫn giữ lập trường trung lập. Việc một khối lượng lớn tài liệu được gửi đến đã làm dấy lên nghi ngờ từ chính quyền Argentina về khả năng chúng chứa nội dung có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của quốc gia.
Mặc dù các nhà ngoại giao Đức khi đó khẳng định các thùng hàng chỉ chứa vật dụng cá nhân, cơ quan hải quan Argentina đã quyết định kiểm tra ngẫu nhiên. Kết quả, họ phát hiện bên trong chứa đầy bưu thiếp, ảnh chụp, tài liệu tuyên truyền và hàng nghìn cuốn sổ tay mang tư tưởng của Đức Quốc xã. Ngay lập tức, một thẩm phán liên bang đã ra lệnh tịch thu toàn bộ số hàng và chuyển vụ việc lên Tòa án Tối cao để xử lý.
Hiện vẫn chưa rõ các bước xử lý cụ thể của Tòa án Tối cao đối với số tài liệu này trong suốt gần 80 năm qua. Tuy nhiên, chúng đã được tình cờ phát hiện lại gần đây bởi các nhân viên trong quá trình chuẩn bị không gian để thành lập bảo tàng của chính Tòa án Tối cao.
“Khi mở một trong những thùng hàng, chúng tôi nhận thấy rõ đây là tài liệu nhằm củng cố và truyền bá hệ tư tưởng của Adolf Hitler tại Argentina trong Thế chiến II,” thông cáo báo chí của Tòa án nêu rõ.
Toàn bộ 83 thùng tài liệu hiện đã được di dời đến một phòng lưu trữ đặc biệt với hệ thống an ninh nghiêm ngặt. Tòa án Tối cao Argentina cũng đã mời Bảo tàng Holocaust tại Buenos Aires tham gia vào quá trình kiểm kê, bảo tồn và nghiên cứu số tài liệu quý giá này. Các chuyên gia hy vọng việc phân tích các tài liệu sẽ làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh chưa từng được biết đến về nạn diệt chủng Holocaust, đặc biệt là các mạng lưới tài chính quốc tế phức tạp của Đức Quốc xã.
Bối cảnh lịch sử của phát hiện này càng thêm ý nghĩa khi biết rằng, theo Bảo tàng Holocaust Buenos Aires, Argentina từng là điểm đến của khoảng 40.000 người Do Thái trong giai đoạn 1933-1954, những người tìm cách trốn chạy khỏi sự đàn áp tàn bạo của chế độ Đức Quốc xã. Ngày nay, Argentina là quốc gia có cộng đồng người Do Thái lớn nhất tại khu vực Mỹ Latin (theo Reuters).