Giữa mây gió Mã Pì Lèng, A Páo – chàng trai mang tâm hồn nghệ sĩ – đã chọn cách kể chuyện về Cao nguyên đá bằng lời ca Mông mộc mạc, lay động lòng người.
Những âm thanh mộc mạc từ tiếng sáo, cùng lời ca chân chất, đậm đà bản sắc vùng cao của A Páo đã trở thành thỏi nam châm thu hút đông đảo du khách tìm đến trải nghiệm và khám phá. Chính sự độc đáo này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng tầm du lịch tại địa phương, đưa những nét văn hóa đặc trưng đến gần hơn với du khách thập phương.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, chàng trai trẻ Ngô Sỹ Ngọc, quê gốc xứ Nghệ, đã bén duyên với vùng đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Nhiều năm gắn bó đã khiến anh say mê văn hóa, con người và cảnh sắc nơi đây, từ đó nảy sinh những ý tưởng độc đáo, khởi đầu cho hành trình trở thành một “trai bản” thực thụ. Anh tâm sự: “Trước đây, mỗi khi tham gia các sự kiện âm nhạc hay chương trình nghệ thuật tại địa phương, gặp gỡ các nghệ sĩ, tôi nhận thấy nhiều người thường mặc trang phục của đồng bào các dân tộc khác nhau, khi thì Mông, lúc Lô Lô, hoặc Tày. Bản thân tôi cũng vô cùng yêu thích trang phục của các chàng trai Mông, bởi nó không quá màu mè, không có nhiều hoa văn, họa tiết phức tạp, chỉ có những gam màu trầm như xanh tím than hoặc xám, giống như màu đá núi tai mèo đặc trưng. Thường xuyên đi sâu vào các thôn, bản để giao lưu, tôi cũng tự đặt cho mình cái tên A Páo cho gần gũi với bà con”.
Sau này, nghệ sĩ A Páo quyết định mở một quán cà phê nhỏ trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, nơi anh có thể thổi sáo và hát phục vụ du khách dừng chân. Anh vẫn duy trì thói quen mặc bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông, điều này tạo nên một ấn tượng đặc biệt và được du khách vô cùng yêu thích. Quán của anh ngày càng đông khách, mọi người bắt đầu ngồi lại lắng nghe anh hát, quay video, chụp ảnh và thậm chí cùng anh tập thổi sáo, múa khèn. Khi đó, anh thực sự sống như một người dân bản địa, trình diễn những bài sáo và hát những ca khúc mang đậm hơi thở vùng cao. Tất cả các tiết mục biểu diễn hàng ngày, cùng những khoảnh khắc đáng nhớ của du khách đều được anh ghi hình lại và đăng tải lên kênh YouTube cá nhân, nhận được sự đón nhận tích cực từ khán giả trong nước và quốc tế. Cũng từ đó, cái tên A Páo trở thành nghệ danh gắn bó xuyên suốt hành trình làm nghệ sĩ chuyên nghiệp của anh. Dần dần, mọi người quên hẳn cái tên Ngô Sỹ Ngọc mà gọi anh là A Páo, chàng trai Mông chính hiệu.
Từ sự mộc mạc, giản dị cùng những nét riêng biệt, A Páo đã tạo nên một hình ảnh nghệ sĩ biểu diễn trên đỉnh Mã Pì Lèng đầy ấn tượng và khó quên. Theo đánh giá từ đông đảo người nghe và người xem, có lẽ chính hơi thở của đất và con người vùng cao đã làm cho âm nhạc của A Páo trở nên độc đáo và khác biệt. Những sáng tác của anh phản ánh chân thực cảnh đời thường, cuộc sống của các gia đình trong những bản làng xa xôi, chính vì vậy mà chúng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Các ca khúc anh thể hiện bằng chất giọng khỏe khoắn, truyền tải tinh thần lạc quan và yêu đời, giúp người nghe tạm quên đi những nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống. Đặc biệt, các video ca nhạc của A Páo còn gây ấn tượng bởi cách làm hay, sáng tạo, pha trộn giữa nét hiện đại và sự mộc mạc, khiến khán giả vô cùng yêu thích. Nhiều video ca nhạc của anh đã đạt hàng triệu lượt xem, góp phần mạnh mẽ trong việc lan tỏa hình ảnh về văn hóa, con người Cao nguyên đá đến mọi miền Tổ quốc. Trong số đó, có thể kể đến những sáng tác ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách như: “Về miền đá tìm em”, “Mù say say”, “Thết bạn”…
Nghệ sĩ A Páo chia sẻ: “Như một mối duyên lành, tôi đã gắn bó với vùng cao từ khi còn là một chàng thanh niên mới lớn. Đến nay, tôi may mắn vì đã nhận được sự yêu thương của khán giả. Đối với tôi, người vùng cao luôn mộc mạc, chân chất, và dễ mến; nhiều người biết đến tôi với cái tên A Páo, chàng trai hát giữa đại ngàn núi đá. Người xem các video trên kênh của tôi đều bày tỏ mong muốn được đến tận nơi tôi đứng hát một lần, được trực tiếp nghe tôi cất tiếng ca, và được đắm chìm trong sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Vì thế, khi hát, tôi thực sự hóa thân vào chàng trai Mông để truyền tải hết cảm xúc; qua đó gửi gắm những thông điệp đẹp đẽ đến bạn bè trong nước và quốc tế, để họ cũng hiểu được về con người nơi đây. Từ những bộ quần áo tôi mặc, đến từng ca khúc tôi thể hiện, tôi luôn mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để lan tỏa hình ảnh đất và người nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc”.
Đến nay, với hơn 330 nghìn lượt theo dõi trên kênh YouTube cá nhân và hơn 3.000 video ca nhạc được đăng tải, A Páo – Ngô Sỹ Ngọc đã tạo dựng được một dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Anh đã tận dụng âm nhạc và niềm đam mê nghệ thuật của mình một cách hiệu quả để quảng bá du lịch, khơi gợi sự háo hức muốn đến trải nghiệm trực tiếp vẻ đẹp của vùng đất này.
Từng câu chữ trong bài hát “Về miền đá tìm em” của A Páo vang lên như một lời mời gọi da diết: “Có thương nhau anh về, nơi miền cao nguyên đá. Em hóa đá chờ anh”; “Anh về cao nguyên đá, ôm đá xám tìm em”… Giữa khung cảnh bạt ngàn đá núi, có một người nghệ sĩ đang dùng tiếng hát của mình để “làm mềm” đi những sắc nhọn của đá tai mèo; vẽ lên những mảng màu tươi sáng, rực rỡ cho cuộc sống đời thường của đồng bào đang bám trụ, giữ đất nơi biên cương, không ngừng lan tỏa hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa độc đáo và con người kiên cường của Cao nguyên đá Đồng Văn – địa đầu Tổ quốc.