Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật thành công, lấy ra viên sỏi bàng quang có kích thước và trọng lượng “khổng lồ” từ cơ thể một bệnh nhân nam 69 tuổi. Đây là lời cảnh tỉnh cho những người có thói quen chủ quan, coi thường các triệu chứng bất thường của đường tiết niệu.
Ngày 20/6, thông tin từ khoa Ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, cho biết các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nam 69 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Đáng chú ý, viên sỏi được lấy ra có đường kính hơn 8 cm, nặng khoảng 200 gram, tương đương một quả cam lớn và chiếm gần như toàn bộ thể tích bàng quang của bệnh nhân.
Trước đó, vào ngày 11/6, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức vùng bụng dưới, tiểu buốt, tiểu ngắt quãng kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt. Kết quả chẩn đoán hình ảnh đã xác định sự tồn tại của một viên sỏi bàng quang rất lớn, gây chèn ép niệu đạo. Các bác sĩ nhận định nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng nặng, suy thận ngược dòng, thậm chí vỡ bàng quang.
Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho biết ông đã có triệu chứng tiểu khó từ rất lâu nhưng do tâm lý chủ quan nên không đi khám. Chỉ đến khi các biểu hiện trở nên nghiêm trọng, không thể chịu đựng, ông mới tìm đến bệnh viện.
Xác định đây là một ca bệnh phức tạp, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và chỉ định phẫu thuật mở bàng quang để lấy sỏi. Ca mổ đã diễn ra thuận lợi, viên sỏi “khổng lồ” được lấy ra thành công. Hiện tại, sức khỏe người bệnh đã ổn định, hồi phục tốt và đang tiếp tục được theo dõi tại khoa.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo sỏi bàng quang thường hình thành do các thói quen như uống ít nước, nhịn tiểu kéo dài, hoặc do các bệnh lý như nhiễm trùng tiết niệu mạn tính, u xơ tiền liệt tuyến, hẹp niệu đạo ở người cao tuổi. Do đó, người dân cần chủ động khám sức khỏe định kỳ và đến ngay các cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rắt, đau vùng bụng dưới… để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng gây biến chứng nguy hiểm.