Chiều 11/5, PGS.TS Bùi Hiền, người từng gây xôn xao dư luận với đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ vào năm 2017, đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở TP Việt Trì, Phú Thọ. Ông hưởng thọ 91 tuổi.
Lễ viếng PGS.TS Bùi Hiền sẽ được tổ chức vào 13h ngày 12/5, và lễ truy điệu, đưa tang sẽ diễn ra vào 6h30 ngày 13/5. Ông sẽ an nghỉ tại quê nhà Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ.
PGS.TS Bùi Hiền sinh ngày 19/5/1935 tại Phú Thọ. Ông là một trong những người tiên phong trong việc giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam. Trong sự nghiệp giáo dục, ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông.
Ngoài công tác giảng dạy, PGS.TS Bùi Hiền còn là một nhà biên soạn sách và từ điển uy tín. Ông là tác giả chính của bộ sách giáo khoa tiếng Nga được sử dụng rộng rãi từ năm 1978, đồng thời chủ biên nhiều cuốn từ điển Nga – Việt, Việt – Anh – Pháp – Nga, và Từ điển tri thức bách khoa phổ thông Việt Nam.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hiền được biết đến rộng rãi nhất qua đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ vào năm 2017. Đề xuất này bao gồm việc giảm số lượng chữ cái và thay đổi cách viết một số từ, ví dụ như “giáo dục” thành “záo zụk” và “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”. Theo PGS.TS Bùi Hiền, chữ Quốc ngữ hiện tại đã bộc lộ nhiều bất cập sau gần một thế kỷ sử dụng, và việc cải tiến sẽ giúp chữ viết trở nên đơn giản, dễ nhớ, dễ sử dụng và tiết kiệm hơn. Đề xuất này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận và giới ngôn ngữ học vào thời điểm đó.