Câu chuyện về Ding Yuanzhao, một tiến sĩ 39 tuổi với loạt bằng cấp từ các đại học danh tiếng như Oxford và Thanh Hoa, hiện đang làm nghề giao đồ ăn, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại Trung Quốc về giá trị thực sự của học vấn trong một thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt.
Theo trang tin 163.com, hành trình học vấn của Ding Yuanzhao bắt đầu khi anh đỗ vào Đại học Thanh Hoa danh giá vào năm 2004 với số điểm gần tuyệt đối. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Hóa học, anh tiếp tục lấy bằng thạc sĩ Kỹ thuật năng lượng tại Đại học Bắc Kinh.
Chưa dừng lại ở đó, anh nhận bằng tiến sĩ Sinh học từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và cuối cùng hoàn thành chương trình thạc sĩ về đa dạng sinh học tại Đại học Oxford (Anh), một trong những ngôi trường hàng đầu thế giới.
Trước khi trở thành shipper, Ding từng làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Tuy nhiên, bước ngoặt xảy ra khi hợp đồng của anh kết thúc vào tháng 3 năm 2024. Dù đã nộp nhiều hồ sơ và trải qua hơn 10 cuộc phỏng vấn, vị tiến sĩ vẫn không thể tìm được một công việc phù hợp trong ngành.
Đối mặt với khó khăn, Ding quyết định làm nhân viên giao đồ ăn ở Singapore, kiếm khoảng 550 USD mỗi tuần với thời gian làm việc 10 tiếng mỗi ngày. Gần đây, anh đã trở về Trung Quốc và tiếp tục công việc này tại Bắc Kinh.
“Đó là một công việc ổn định. Tôi có thể nuôi gia đình với thu nhập này,” Ding chia sẻ. Anh cũng cho rằng công việc này giúp anh có thể kết hợp rèn luyện sức khỏe.
Câu chuyện của Ding nhanh chóng lan truyền và tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng. Nhiều người tỏ ra hoài nghi và thất vọng: “Vậy học nhiều để làm gì?”, “Anh ấy học rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn đi giao đồ ăn.”
Ngược lại, không ít người bày tỏ sự ủng hộ và cảm thông: “Không có gì sai với quyết định của anh ấy. Ít nhất anh không bỏ cuộc trong giaiđoạn khó khăn nhất của cuộc đời.” Gần đây, Ding càng thu hút sự chú ý khi đăng video khích lệ các sĩ tử vừa hoàn thành kỳ thi đại học (gaokao), khuyên họ không nên quá bi quan nếu kết quả không tốt và cũng đừng quá tự mãn khi thành công.
Trường hợp của Ding được xem là tấm gương phản ánh một thực tế đáng lo ngại về thị trường việc làm tại Trung Quốc. Với khoảng 13 triệu thí sinh tham dự kỳ thi gaokao mỗi năm, áp lực cạnh tranh là vô cùng lớn. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24 ở khu vực thành thị trong tháng 5 vừa qua là 14,9%, cho thấy những thách thức mà ngay cả những người có học vấn cao cũng phải đối mặt.