Sự ảo tưởng về quyền lực và tầm ảnh hưởng trên không gian mạng đang dẫn đến hàng loạt hành vi lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật. Các vụ việc liên tiếp bị cơ quan chức năng xử lý trong thời gian gần đây, mà điển hình là trường hợp của TikToker Lê Việt Hùng, đã minh chứng rõ nét cho thực trạng đáng lo ngại này.
Mới đây nhất, TikToker Lê Việt Hùng (38 tuổi) đã bị Công an tỉnh Lạng Sơn tạm giữ để điều tra. Hùng được biết đến trên mạng xã hội với các clip thường xuyên quay lại cảnh đối đáp, gây khó dễ và thách thức lực lượng chức năng khi họ đang làm nhiệm vụ. Hùng sử dụng mạng xã hội để đăng tải các clip với lời lẽ thiếu chuẩn mực, quấy nhiễu, làm phiền lực lượng chức năng với lý do “giám sát”. Hành vi này, khi vượt quá giới hạn cho phép, đã trở thành cản trở công vụ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội.
Trường hợp của Lê Việt Hùng không phải là cá biệt. Trước đó, nhiều cái tên nổi tiếng khác trên mạng xã hội cũng đã vấp phải vòng lao lý, cho thấy “quyền lực ảo” không thể đặt họ đứng ngoài vòng pháp luật ở đời thực.
Cách đây khoảng một tháng (tháng 4/2025), Mai Văn Dưỡng (39 tuổi, thường gọi Dưỡng Dướng Dường) đã bị Công an tỉnh Quảng Nam bắt tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Mai Văn Dưỡng từng là hot TikToker “Dưỡng Dướng Dường phong thủy” với 700.000 lượt theo dõi trên TikTok và hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên Facebook, chuyên chia sẻ các video, hình ảnh quảng cáo vật phẩm phong thủy, sản phẩm nụ trầm hương. Để tăng tương tác, ngoài các video kinh doanh và thiện nguyện, Dưỡng thường xuyên khoe tiền, kim cương, khoe doanh số “hàng nghìn đơn hàng” cùng nhiều phát ngôn gây tranh cãi liên quan đến các cá nhân khác. Vào tháng 8/2024, TikToker này cũng từng bị Công an huyện Bắc Trà My xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải 8 video có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống và xúc phạm uy tín, danh dự.
Tương tự Lê Việt Hùng trong việc gây khó dễ lực lượng cảnh sát giao thông, Trần Đình Sang từng nổi tiếng với các clip quay và chất vấn cơ quan chức năng. Vào tháng 9/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã bắt giữ Trần Đình Sang về hành vi chống người thi hành công vụ.
Một đối tượng khác cũng đình đám trên mạng xã hội với loạt clip cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ là Hoàng Đình Tuấn (SN 1984, thường gọi Tuấn “Phò Mã”). Với tài khoản TikTok “Tuấn phò mã 36” có hơn 270 nghìn lượt theo dõi và hơn 3,2 triệu lượt thích, Tuấn chuyên đăng tải các video lưu thông trên đường phố và gặp gỡ cán bộ CSGT. Tuy nhiên, việc bị bắt của Hoàng Đình Tuấn không liên quan trực tiếp đến các clip này mà do hành vi “Đánh bạc”.
Những trường hợp nêu trên cho thấy một thực trạng đáng lo ngại: nhiều người dùng mạng xã hội đang tự cho bản thân quyền được phán xét, chỉ trích, thậm chí lăng mạ hoặc cản trở người khác một cách vô căn cứ. Thực tế cho thấy, không gian mạng không phải là một “vùng cấm”. Mọi hành vi trên mạng xã hội đều phải tuân thủ pháp luật hiện hành. Việc sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức hoặc thực hiện các hành vi tội phạm khác đều là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh.