Vụ việc TJ Hoover tỉnh dậy trong phòng mổ khi các bác sĩ đang chuẩn bị lấy nội tạng đã phanh phui bê bối nghiêm trọng về đạo đức và quy trình trong hệ thống hiến tạng Mỹ. Cùng trường hợp của Misty Hawkins – người được tuyên bố tử vong nhưng tim đập trở lại trên bàn mổ – đã khiến Bộ Y tế Mỹ phải vào cuộc điều tra và kêu gọi cải cách toàn diện.
Năm 2021, TJ Hoover (33 tuổi) được đưa vào viện vì dùng thuốc quá liều. Dù bác sĩ tuyên bố chết não và đủ điều kiện hiến tạng, Hoover vẫn phản ứng với kích thích và giao tiếp bằng mắt. May mắn, anh tỉnh dậy ngay lúc ê-kíp phẫu thuật đang chuẩn bị mổ lấy nội tạng.
Tương tự, mùa xuân năm 2024, Misty Hawkins được tuyên bố tử vong sau khi rút máy thở. Tuy nhiên, chỉ 5 phút sau khi đội phẫu thuật bước vào phòng, trái tim bà bất ngờ đập trở lại. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ sau đó xác nhận tim Hawkins đập đủ mạnh để bơm máu đi khắp cơ thể, cho thấy dấu hiệu sự sống vẫn còn. Cả hai trường hợp này đều khiến quy trình lấy tạng phải dừng lại ngay lập tức.
Những vụ việc như Hoover hay Hawkins đã buộc các cơ quan chức năng Mỹ xem xét lại toàn bộ hệ thống hiến tạng. Một cuộc điều tra liên bang quy mô lớn đã được mở ra. Theo các báo cáo và tài liệu chuẩn bị cho phiên điều trần, hơn 100 trong số 351 trường hợp hiến tạng bị điều tra được đánh giá “có điểm nghi vấn nghiêm trọng”. Ít nhất 28 ca diễn ra khi người hiến có thể vẫn chưa qua đời, và 3 bệnh nhân có phản xạ thần kinh không phù hợp với chuẩn hiến tặng.
Bộ trưởng Y tế Mỹ Robert F. Kennedy Jr. tuyên bố: “Chúng tôi nhận thấy các bệnh viện đã cho phép lấy nội tạng khi bệnh nhân vẫn có dấu hiệu sự sống. Điều này vô cùng đáng sợ“. Ông nhấn mạnh các tổ chức thu mua nội tạng phải chịu trách nhiệm và kêu gọi cải tổ toàn bộ hệ thống để đảm bảo sự tôn nghiêm với mỗi sinh mệnh.
Ngày 22 tháng 7, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã ra thông cáo triển khai một sáng kiến cải cách toàn diện nhằm nâng cao tính minh bạch và an toàn của toàn hệ thống. Việc này được đẩy nhanh sau khi các cuộc điều tra liên tục phát hiện nhiều sai phạm về quy trình và việc bỏ qua các dấu hiệu bất thường trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Vụ bê bối này gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức y khoa và sự cần thiết của việc minh bạch hóa toàn bộ quy trình hiến tạng, đảm bảo không có thêm trường hợp nào bị oan uổng.