Thời gian gần đây, dân tình không khỏi xôn xao trước làn sóng các local brand Việt đồng loạt thông báo say goodbye. Thế nhưng, đằng sau những lời chia tay nghẹn ngào ấy, liệu có ẩn chứa âm mưu marketing nào không?
Việc một thương hiệu tuyên bố dừng hoạt động có thể tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, thu hút sự chú ý và lòng tiếc nuối của khách hàng. Nếu được thực hiện một cách khéo léo và có đạo đức, đây có thể là một chiến dịch marketing thông minh. Tuy nhiên, nếu lật bài ngửa không tinh tế, các nhãn hàng rất dễ đánh mất niềm tin và gây ra sự bức xúc lớn từ phía người tiêu dùng.
SSStuter và Edini: Chiêu bài cũ nhưng vẫn gây lú?
Tại Việt Nam, các anh lớn như SSStuter và Edini đã từng khiến cộng đồng mạng há hốc mồm với những thông báo đóng cửa đầy bất ngờ.
Tháng 12/2024, thương hiệu thời trang nam SSStuter đánh úp fan bằng thông tin dừng hoạt động sau 9 năm. Bài đăng này đã nhận được hàng nghìn lượt tương tác và bình luận bày tỏ sự tiếc nuối. Thậm chí, nhà sáng lập Thư Lê còn úp mở trong một video: Mọi thứ phải thay đổi. Đã đến lúc đóng cửa. Đáng chú ý, thông báo này được đưa ra ngay sau khi local brand Lep’ cũng tuyên bố khăn gói rời chợ, giúp SSStuter ké fame thành công.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, SSStuter lại quay xe đính chính, hóa ra chỉ đóng một số kênh bán hàng không còn phù hợp. Đại diện hãng còn triết lý: 9 năm – thời gian đủ dài để đóng lại một hành trình cũ, đóng lại một chương, tìm ra một hướng đi mới, mở ra một chương mới. Màn troll này đã khiến không ít khách hàng hoang mang tột độ. Đến nay, SSStuter vẫn hoạt động bình thường và liên tục trình làng sản phẩm mới.
Gần đây, Edini cũng nối gót khi tuyên bố say goodbye sau 12 năm. Tuy nhiên, sự thật phũ phàng là nhãn hàng này chỉ đóng cửa mảng thời trang hàng ngày và chuyển sang tập trung vào các thiết kế truyền thống. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một chiêu trò để thu hút sự chú ý và đẩy nhanh quá trình thanh lý hàng tồn kho.
Lợi dụng lòng tin: Chiêu marketing dễ phản dame?
Đây không chỉ là câu chuyện riêng của thị trường Việt Nam. Trên thế giới, thương hiệu T-Shirt Hell từng gây phẫn nộ khi thông báo ngừng hoạt động vì nhận quá nhiều email khiếu nại, khiến người tiêu dùng nháo nhào đặt hàng đợt cuối. Kết quả là doanh số của họ tăng vọt, dù sau đó vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Nhìn chung, việc thông báo đóng cửa đang được một số thương hiệu sử dụng như một chiến thuật marketing. Nó tạo ra sự khan hiếm ảo, kích thích tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) của khách hàng, khiến họ xuống tiền nhanh hơn.
Tuy nhiên, chiêu thức này lại dựa trên lòng tin của người tiêu dùng và rất dễ gây ra phản ứng ngược. Khi phát hiện ra mình bị lừa, khách hàng có thể cảm thấy bị tổn thương và dẫn đến làn sóng tẩy chay mạnh mẽ. Các local brand nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chơi dao với lòng tin của khách hàng, bởi lợi ích ngắn hạn có thể đánh đổi bằng uy tín lâu dài.