Nghệ sĩ Hữu Lập, một trong những gương mặt gạo cội cuối cùng của nghệ thuật hát bội miền Nam, đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 28/4, hưởng thọ 82 tuổi. Sự ra đi của ông do tuổi già sức yếu đã để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho giới mộ điệu và đồng nghiệp.
Thông tin từ gia đình cho biết, lễ nhập quan và lễ viếng đã được cử hành vào chiều cùng ngày (28/4) tại nhà riêng của ông ở quận Tân Bình, TP.HCM. Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào sáng ngày 1/5, sau đó linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ Bình Hưng Hòa.
Nhận được tin buồn, NSƯT Ngọc Khanh bày tỏ sự xúc động và thương tiếc. Chia sẻ với báo giới, bà cho biết: “Anh Hữu Lập và tôi cùng sinh ra và lớn lên trong môi trường hát bội, có mối quan hệ thân thiết từ thuở nhỏ. Chúng tôi từng song hành biểu diễn trước các phái đoàn nghiên cứu, giao lưu với khán giả trẻ và du khách quốc tế để quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Sự ra đi của anh khiến tôi mất đi một người anh, người thầy đáng kính trong nghề”.
NSƯT Ngọc Khanh cũng tiết lộ, sinh thời nghệ sĩ Hữu Lập luôn ấp ủ tâm nguyện truyền dạy bộ môn hát bội cho thế hệ trẻ, song do tuổi cao sức yếu, ông “lực bất tòng tâm”. Nghệ sĩ Hữu Lập sinh năm 1943 tại Bình Dương, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật với gánh hát Bầu Liêu nổi tiếng. Ông bén duyên với sân khấu từ năm 13 tuổi và sớm khẳng định tài năng qua nhiều vai diễn trong các tuồng kinh điển như Phàn Lê Huê, San Hậu.
Với hơn 65 năm gắn bó với nghề, Nghệ sĩ Hữu Lập không chỉ là một diễn viên tài năng mà còn là nhà nghiên cứu, bảo tồn tâm huyết. Ông từng dành nhiều công sức thực hiện dự án giới thiệu 16 nhân vật tiêu biểu trong tuồng San Hậu và bổ sung 5 mặt tướng đặc trưng khác. Các tác phẩm này được ông thể hiện qua tranh vẽ, mô tả chi tiết hai lối vẽ mặt (sắm tuồng dạng mặt tướng – vẽ trực tiếp kết hợp biểu tượng, màu sắc; và dạng mặt trắng – nhấn mạnh lông mày, mũi, má) đúng với nguyên bản trình diễn sân khấu, dựa trên kinh nghiệm và ký ức cả đời.
Không chỉ vậy, ông còn là người lưu giữ một “kho báu” tư liệu quý giá của hát bội miền Nam. Nghệ sĩ Hữu Lập đã cất giữ hơn 500 kịch bản tuồng cổ và hiện đại. Đặc biệt, ông còn có một cuốn sách tự chép tay ghi lại gần 50 mặt nhân vật cùng cách vẽ chi tiết, là nguồn tài liệu vô giá về kỹ thuật hóa trang sân khấu.
Ông từng bày tỏ nguyện vọng được trao tặng toàn bộ khối tư liệu này cho đình Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu) để góp phần bảo tồn di sản. Sự ra đi của Nghệ sĩ Hữu Lập là mất mát lớn cho nghệ thuật hát bội, để lại khoảng trống khó lấp đầy trong việc gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này.